Chia sẻ về hành trình 7 năm cùng kinh nghiệm mở quán cafe

kinh nghiệm mở quán cafe

Để mở một quán cà phê mơ ước từ con số 0, bạn cần có đam mê

Tại sao lại là đam mê?

Đam mê một cái gì đó thì bạn để tâm trí vào nó nhiều nhất. Giống như nhiều người chia sẻ rằng phải tập trung vào một thứ thì thứ đó sẽ phát triển. Đam mê giúp bạn cải tiến bản thân rất nhiều khi mở quán, mọi kỹ năng pha chế, thử nếm hay cảm nhận sản phẩm đều phải có đam mê thì mới giúp bạn làm tốt được. Thêm vào đó, đam mê giúp bạn có thêm thời gian để thấu hiểu sâu về một sản phẩm, để giúp cải tiến sản phẩm dịch vụ, tạo ra sản phẩm ngày càng tốt hơn. Vậy đam mê cần có để mở quán cà phê thành công cụ thể là:

1. Đam mê cà phê, đam mê tạo ra sản phẩm chất lượng.

2. Đam mê về vận hành quán cà phê

3. Đam mê bán hàng

4. Đam mê giao tiếp khách hàng

Câu chuyện về hành trình tìm tòi, nghiên cứu mở quán cafe đầy gian nan

Bản thân tôi khi còn đi làm trong môi trường công sở, hàng ngày tôi đều đi uống cà phê và rất thích hương vị của cà phê sữa. Uống cà phê rồi thì lại thích tìm hiểu thông tin của các quán cà phê mới mở xem có loại cà phê nào hấp dẫn mới lạ không để đi tìm uống thử. Tôi thường tìm hiểu các thông tin về cà phê trên mạng internet trong thời gian ở nhà sau giờ làm. Một hôm tình cờ đi ngang qua uống thử và nói chuyện với một bạn sinh viên làm cà phê. Thấy bản thân mình rất thích thú với mọi thứ liên quan đến mô hình kinh doanh cà phê. Lần đó tôi thấy bị thôi thúc bởi người khác đã và đang làm cà phê. Nên tôi đã quyết định sẽ theo làm cà phê giống họ và để có cơ hội làm trong ngành cà phê mà mình cảm thấy yêu thích.

Lúc bắt đầu mở quán cà phê đầu tiên, do đam mê nung nấu quá lâu, tôi hầu như ôm mọi việc có liên quan vào mình. Từ việc dậy 3h sáng để pha cà phê, đến việc đứng ra bán cà phê cho khách hàng ngày, đến việc rửa từng cái ly, cái phin cà phê và việc tự ôm bao cà phê chạy hơn 20km đi rang ở cái xưởng gia công đến tận khuya gần 10h mới xong và trở về nhà là lúc mọi người đã đi ngủ hết. Nghĩ lại mới thấy trong khoảng thời gian đó, trong đầu tôi chỉ có nghĩ về một vài thứ là quán cà phê, các hạt cà phê và khách hàng chứ không hề suy nghĩ gì nữa.

Lúc khó khăn nhất là lúc tôi và bạn làm chung cãi vã về công việc, định hướng về sau không trùng khớp nhau dẫn tới phải tranh giành nhau cái quán, và cuối cùng gần như là phá sản khi không đủ tiền để mua lại cổ phần của bạn. Tôi lúc đó cũng chán nản muốn buông bỏ. Nhưng những sáng thức dậy pha cà phê thơm ngát, những lúc đứng ở quầy pha cà phê nói chuyện các khách hàng của mình, những lúc nhấp ly cà phê đen vào miệng thấy chất cafe quen thuộc hàng ngày, mình lại muốn tiếp tục hơn là bỏ cuộc.

kinh nghiệm mở quán cafe

Sau thời gian chia quán với bạn, tôi làm một mình thì đủ mọi thứ xảy ra. Một đợt tự nhiên cà phê không còn vị như mọi ngày, tôi đã mất một số lượng khách hàng lớn và gần như muốn đóng của hàng luôn vậy. Lúc này, do bản thân mình ra mở quán không có kinh nghiệm, không vốn, không mối quan hệ, không có kiến thức nên không thể biết nguyên nhân của việc này từ đâu ra. Tôi chợt tự nhủ bản thân xem xét lại mọi thứ. Đầu tiên tôi lấy cà phê ra xem hạt nó có gì lạ không, pha đi pha lại chục lần khác nhau để xem có phải do hạt cà phê không hay do cách mình pha. Tôi mang cà phê của mình đi đưa cho vài người quen để nhờ họ phản hồi giúp những không ai rành về cà phê cả. Sau đó tôi thử cách dùng nguồn nước. Tôi nghĩ rằng do nước không đủ tinh khiết hoặc bị ô nhiễm nên đã mua vài thùng nước của các hang nước về đun pha cà phê thử. Cũng không ăn thua nên tôi lại nghĩ do chất liệu ấm nước hoặc phin, tôi quyết định thay ấm Inox thành ấm nhôm, phin inox thành phin nhôm, tiếp tục thay ca đựng bằng nhựa thành ca inox…..mà vẫn không được. Chất lượng cà phê pha ra không đều đặn, lúc ngon lúc dở. Tôi tiếp tục đặt giả thiết là do các dụng cụ pha chế của mình bị ẩm ướt nên sau khi rửa xong, tôi cũng đem qua bờ kênh gần nhà để phơi cho thật ráo để xem chất lượng nó có ổn không.

Mày mò từng yếu tố một thì tôi mới kết luận được cà phê ngon hay dở là nhiệt độ nước. Nếu nước không đủ sôi hoặc quá sôi thì dẫn đến cà phê bị chua hoặc khét. Sau đó, tôi mới thấy cơ chế hoạt động của máy pha cà phê quá hay tại một hội chợ cà phê. Hàng ngày tôi chịu khó đi qua một quán cà phê gần nhà để ngồi xem cách vận hành máy thế nào. Đến lúc ghiền quá không cưỡng lại được sự thu hút của máy cà phê espresso, tôi đã vay mượn cho được đủ tiền để mua cái máy pha đầu tiên. Máy pha xay cà phê tại chỗ, pha chỉ 30 giây cho ra ly cà phê rất là tươi nên chất lượng được cải thiện rõ rệt. Khách hàng bắt đầu thích loại cà phê máy của tôi và tôi bỏ luôn cái kiểu pha phin sẵn. Sau một thời gian tưởng chừng êm ấm hết về chất lượng do đã có máy pha, thì lại bị một thời gian khách cứ chê cà phê bị khét. Tôi đã kiểm tra rất kỹ từng hạt cà phê rồi mà vẫn thấy bình thường. Tôi phải đi tìm các chuyên gia pha chế và được họ hướng dẫn về cấu tạo và các lỗi máy thường hay xảy ra. Lúc đó tôi mới biết là do máy lâu ngày không vệ sinh nên bị đóng cặn trong máy, và dầu cà phê bám vào trong máy làm cho nước bị khét, pha ra khét cà phê. Tôi học được cách xử lý những cái như vậy để cà phê trở nên hoàn hảo hơn.

Việc gì cũng không sợ, chỉ sợ thiếu đam mê

kinh nghiệm mở quán cafe

Sau một thời gian thấy cái máy của mình không đủ chức năng như mong muốn. Đam mê hối thúc tôi, lại dồn hết tiền để mua một bộ máy pha cà phê mà ở VIệt Nam chỉ có một hai cái trên đầu ngón tay. Máy pha đắt đỏ này là dòng máy cao cấp, cho phép tôi kiểm tra chất lượng cà phê đầu vào tốt hay không, và giúp tôi chọn được nhiệt độ của nước phù hợp cho loại cà phê của tôi. Lúc này thì tôi mới thấy cà phê của mình được cải tiến rõ nét hơn, mọi người khen ngợi và nhân viên được đào tạo bài bản hơn trên cỗ máy đó đều nhận biết được đâu là tách cà phê chuẩn.

Nghĩ lại thấy đam mê không chỉ giúp tôi cải tiến được chất lượng cà phê, mà còn giúp tôi chọn lựa được hướng đi đúng đắn kinh doanh chuỗi cà phê máy take away đầu tiên ở Saigon. Cũng chính đam mê với máy móc pha cà phê như vậy mà tôi trở nên có tiếng trong giới cà phê, những người làm cà phê đều biết đến tôi làm cà phê có chất lượng và “chịu chơi” khi mua toàn máy khủng. Đó là cách giúp tôi Marketing cho thương hiệu của mình bằng cách truyền miệng từ những người hiểu biết về cà phê. Họ thấy tôi có đam mê với cà phê, với máy móc thiết bị nên giới thiệu nhiều người đến ủng hộ và giới thiệu các đối tác mở café cho tôi. Khách hàng uống cà phê chỉ cần ngồi nói chuyện với tôi một lúc là sẽ có ấn tượng vì tôi hay chia sẻ với họ về các loại cà phê, về vùng trồng cà phê, cách pha cafe và các thông tin xung quanh ly cà phê của họ một cách hào hứng.

Hàng ngày khi xong việc tôi thường ngồi trên máy tính đọc về các thông tin quán cà phê khác nổi tiếng, các câu chuyện thành công của các CEO trong ngành cà phê như Starbuck, Blue bottle, Coffee bean & tea leaf, Amazon…. Tôi thấy câu chuyện thành công của họ rất hay và khao khát được một phần như họ. Đó là động lực và đam mê rất lớn để tôi có thể phát triển vượt qua các giai đoạn sống còn.

Tôi tìm hiểu rất sâu về cách tạo ra một ly cà phê ngon từ các giống cà phê, từ các trang trại nổi tiếng về café, các barista nổi tiếng trên thế giới họ làm cà phê thế nào, cho đến các quán cà phê nổi tiếng xem họ phục vụ khách hàng ra sao. Khi có thời gian thì tôi lại chạy đi đến các tiệm cà phê để trò chuyện với các bạn làm cà phê, chủ các tiệm làm cà phê để học hỏi họ cách làm và có thêm động lực tiến lên. Cứ học được cái gì hay, tôi lại về áp dụng vào quán mình thử , kết quả cứ mỗi lúc một khá hơn.

Nghĩ lại mới thấy, trong thời gian làm cà phê của tôi thì trong đầu thường chỉ nghĩ tới hạt cà phê, quán cà phê, ly cà phê, trang trại cà phê, máy móc cafe… Có những lúc tôi thấy mình bị ám ảnh với ý tưởng làm ra một ly cà phê chất lượng, gặp ai cũng nói về café nên nhiều người phát chán. Đó là sức mạnh của đam mê mọi thứ liên quan đến cà phê làm tôi có động lực mạnh mẽ. Đã có lần tôi tưởng chừng đã bỏ cuộc mọi thứ và nghĩ rằng không thể vượt qua được những rồi lại thấy mình không thể nghĩ đến thứ khác gì ngoài cà phê. Đó là năm 2015 khi tôi đang đi học rang cafe thì ở nhà, xưởng rang cà phê bị cháy hết, lửa lan rộng ra khắp nhà và cháy cả nhà hàng xóm. Tôi về đến nhà thì 7 xe cứu hỏa đã dập xong lửa nhưng nhìn vào bên trong thì không còn gì nữa, cháy đen thui. Lúc đó tôi cảm thấy hoang mang lắm, vốn, máy móc, và hàng hoá thì bị đốt cháy hết sạch, phải lo sửa chữa nhà cửa cho nhà mình và hàng xóm. Chính quyền xuống đưa tôi đi, tưởng chừng phải đi tù luôn. Tâm trạng lúc đó thực sự bi quan và muốn bỏ cuộc luôn không làm nữa. Nhưng rồi tôi lại mặc kệ, vẫn thấy ly cà phê thật hấp dẫn và quên đi nhanh chóng mọi thứ khó khăn, quay lại công việc nhanh chóng.

Ngẫm lại sau 7 năm làm cà phê mới thấy, đam mê trong mình với cà phê không nhỏ, nó đã dẫn dắt mình từ tìm ra cách tạo ra chất lượng sản phẩm đến cách tạo ra mô hình kinh doanh và kết nối với khách hàng, các đối tác. Ý muốn làm ra ly cà phê ngon hơn nữa thì luôn thường trực trong tâm trí. Tôi nhận ra một điều đam mê là một thứ giúp bạn tạo ra sức mạnh ở bên trong nội tâm, giúp mình vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách. Nó làm mình nhìn mọi khó khăn nhỏ đi, thậm chí làm mình không nhìn ra cái gì khó khăn. Đam mê quá đôi khi cũng là thứ khiến mình trở nên cứng đầu và bảo thủ. Do đó cần phải lắng nghe nhiều người, chia sẻ với nhiều người để họ phản biện lại ý mình thì mới có thể đi đúng được.

Hãy nuôi dưỡng đam mê ngày càng lớn hơn để bạn có một nội lực đủ lớn. Để khi bắt tay vào thực hiện mở quán cà phê bạn mơ ước, thì đam mê chính là động lực bên trong giúp bạn tiến lên rất mạnh mẽ.

(Nguồn: CEO Lahacafe)

TẢI BÁO GIÁ!
Tải báo giá
Chat ngay để nhận tư vấn!